Giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri theo địa bàn ứng cử
TXCT là hoạt động sinh hoạt chính trị, xã hội đặc trưng, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của đại biểu HĐND các cấp và là trách nhiệm của đại biểu HĐND với cử tri. Thông qua TXCT, mối quan hệ giữa đại biểu HĐND với cử tri, nhân dân ngày càng được gắn bó, thắt chặt; những bức xúc từ cuộc sống, những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri được đại biểu chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thực hiện tốt công tác TXCT không chỉ góp phần mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở mà còn giúp cho HĐND thực hiện tốt các chức năng giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Trước và sau các kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND huyện Đăk Tô xây dựng kế hoạch và phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức cho đại biểu HĐND TXCT theo hướng lồng ghép, tổ chức TXCT hai cấp, ba cấp trên cùng một địa bàn để tiết kiệm chi phí và giảm bớt thời gian đi lại của nhân dân; chỉ đạo các Tổ đại biểu thực hiện phân nhóm đại biểu trong tổ để TXCT đến tận thôn (làng), khối phố.Tại các cuộc TXCT, các kiến nghị đã có quy định của pháp luật sẽ được giải đáp ngay. Công tác giải quyết kiến nghị cử tri của UBND và các ngành liên quan cơ bản đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cử tri; nội dung giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri ngắn gọn, đúng trọng tâm vấn đề cử tri quan tâm, bảo đảm tính pháp lý, tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối các nguồn lực hiện có.
Trên cơ sở báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của UBND cùng cấp, Thường trực HĐND giám sát việc giải quyết thông qua giám sát tại kỳ họp và giám sát, khảo sát chuyên đề; đồng thời, giao các Ban, các Tổ, các đại biểu HĐND giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo địa bàn ứng cử và báo cáo kết quả giám sát đến Thường trực HĐND.
Tránh ý kiến, kiến nghị nhiều lần
Bên cạnh những kết quả đạt được, do đa số đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã hoạt động kiêm nhiệm, công tác chuyên môn nhiều, do đó việc bố trí thời gian tham gia TXCT còn hạn chế, chủ yếu tham gia TXCT ở đơn vị bầu cử, trước kỳ họp thường lệ HĐND, các hình thức tiếp xúc khác như TXCT nơi làm việc, nơi cư trú chưa được thực hiện thường xuyên. Một số kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời nhưng cử tri tiếp tục kiến nghị nhiều lần. Một số vấn đề cử tri quan tâm đề xuất, kiến nghị chậm được giải quyết…
Từ thực tiễn hoạt động TXCT, theo Thường trực HĐND huyện Đăk Tô, cần mở rộng hình thức TXCT, trong đó tăng cường TXCT theo chuyên đề, giúp đại biểu có thêm nhiều thông tin khi tham gia quyết định các chủ trương, chính sách của địa phương phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện với Thường trực HĐND huyện trong xây dựng kế hoạch TXCT, trong đó bảo đảm đầy đủ thành phần tham dự buổi tiếp xúc. Tùy theo nội dung cụ thể của hội nghị tiếp xúc, MTTQ Việt Nam xác định hình thức tiếp xúc, đối tượng, thành phần tham dự; chuẩn bị kỹ các nội dung trong hội nghị tiếp xúc.
Đối với từng đại biểu HĐND, trước khi TXCT cần kiểm tra, rà soát những ý kiến, kiến nghị và những vấn đề được cử tri quan tâm nêu tại cuộc TXCT trước đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết đến đâu, còn vướng mắc, nguyên nhân. Đồng thời, cập nhật những thông tin, tài liệu cần thiết về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để thông tin đến cử tri.
UBND các cấp cần quan tâm chỉ đạo, quán triệt và thực hiện nghiêm trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tiếp nhận, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri; nếu xét thấy cần thiết thì tổ chức đối thoại trực tiếp để giải quyết dứt điểm. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cử cán bộ, công chức có đủ năng lực, trình độ tham gia các hội nghị TXCT để có thể giải quyết, thông tin, giải trình ngay đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền, những nội dung đã được pháp luật quy định. Kịp thời kiến nghị với các ngành có liên quan để xem xét, giải quyết dứt điểm những nội dung kiến nghị của cử tri vượt thẩm quyền của huyện, nhất là kiến nghị về hạ tầng thiết yếu như điện, giao thông, thủy lợi, chế độ chính sách...
Cùng với đó, Thường trực, các Ban, các đại biểu HĐND huyện và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; quan tâm những ý kiến của cử tri cũng như của đại biểu tại các kỳ họp HĐND để tránh tình trạng những ý kiến, kiến nghị của đại biểu cũng như của cử tri kiến nghị nhiều lần mà không được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.